Cổng thông tin điện tử huyện Hậu Lộc
Cổng thông tin điện tử huyện Hậu Lộc
  • Liên kết website
  • Thống kê truy cập
  • Đang online: 2

    Hôm nay: 12

    Đã truy cập: 674835

Cựu Chiến binh Việt Nam phát huy truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, tích cực tham gia phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường quốc phòng - an ninh.

Từ khi ra đời đến nay, Hội Cựu Chiến binh Việt Nam đã không ngừng “Phát huy truyền thống Bộ đội Cụ Hồ, tích cực tham gia xây dựng và bảo vệ Đảng, Nhà nước, chế độ XHCN, bảo vệ nhân dân. Động viên cựu chiến binh giúp nhau làm kinh tế, cải thiện đời sống, tích cực tham gia giáo dục lòng yêu nước, yêu CNXH và chủ nghĩa anh hùng cách mạng cho thế hệ trẻ; đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí và các tệ nạn xã hội; xây dựng và củng cố cơ sở chính trị, xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh”1, xứng đáng là một tổ chức chính trị - xã hội, thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, chỗ dựa tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân

Cùng với việc thường xuyên chăm lo xây dựng tổ chức, tích cực đổi mới nội dung, phương thức hoạt động2, thời gian qua, Hội Cựu chiến binh (CCB) Việt Nam đã tập trung giáo dục, bồi dưỡng nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức cách mạng; vận động CCB tích cực tham gia công tác xây dựng, bảo vệ Đảng, chính quyền, chế độ XHCN, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Với nhiều hình thức, biện pháp giáo dục, tuyên truyền sáng tạo, phù hợp, các cấp Hội đã chú trọng nâng cao nhận thức của hội viên về chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, nhất là về các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), tăng cường quốc phòng - an ninh (QP-AN) và về âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch. Trên cơ sở đó, các cấp Hội đã trực tiếp tham gia tuyên truyền, vận động nhân dân hiểu rõ, thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; kiên quyết đấu tranh phòng, chống, làm thất bại âm mưu, thủ đoạn "diễn biến hòa bình" của các thế lực thù địch; chủ động phòng ngừa các hiện tượng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; tham gia giải quyết có hiệu quả những vấn đề phức tạp trên các địa bàn, nhất là ở Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ,…

Các cấp Hội đã vận động CCB nêu cao ý thức, trách nhiệm, tích cực đóng góp trí tuệ, kinh nghiệm, công sức vào xây dựng các chương trình, kế hoạch phát triển KT-XH, tăng cường QP-AN3 của địa phương. Đồng thời, chủ động tham mưu và trực tiếp cùng với cấp ủy, chính quyền tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đưa việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở đi vào chiều sâu, mang lại hiệu quả thiết thực; tham gia thực hiện tốt các hoạt động xã hội ở địa phương, như: xây dựng hạ tầng kinh tế; giáo dục - đào tạo; xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở; giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân… Qua đó, các cấp Hội thực hiện tốt vai trò cầu nối giữa “ý Đảng với lòng dân”, góp phần giải quyết các vấn đề nảy sinh trong đời sống xã hội, nhất là việc giải phóng mặt bằng, đền bù đất đai…; chủ động đấu tranh với những phần tử xấu, cơ hội, tích cực tham gia phòng, chống quan liêu, lãng phí, tham nhũng. Các cấp Hội cũng thường xuyên làm tốt công tác giáo dục QP-AN; tham gia diễn tập khu vực phòng thủ; tuyên truyền, vận động thanh niên thực hiện nghĩa vụ quân sự;… Với những việc làm đó, Hội CCB Việt Nam đã góp phần quan trọng vào xây dựng hệ thống chính trị, bảo vệ Đảng, chính quyền, nhất là ở cơ sở; được Đảng, Nhà nước và nhân dân đánh giá cao4.

Với phương châm: "CCB nêu gương sáng, hiến kế, hiến công vì quê hương đất nước", bám sát thực tiễn đời sống kinh tế của đất nước, các cấp Hội đã tổ chức đưa phong trào “CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi” phát triển sâu rộng. Trên cơ sở phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành, các cấp Hội đã tạo điều kiện để CCB tham gia vào các dự án, chương trình phát triển KT-XH; tổ chức bồi dưỡng, tập huấn chuyển giao kỹ thuật, thực hiện khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư; chuyển đổi ngành nghề, ứng dụng khoa học kỹ thuật, nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm. Đến nay, Hội CCB Việt Nam đã có 5.500 doanh nghiệp vừa và nhỏ, 1.143 hợp tác xã, 4.900 tổ hợp tác, 35 ngàn trang trại, tạo công ăn việc làm cho gần 50 vạn lao động là CCB, cựu quân nhân (CQN) và con em CCB… Các cấp hội đã chủ động tham mưu với cấp ủy, chính quyền triển khai thực hiện có hiệu quả Thông tư liên tịch số 127 của Bộ Quốc phòng và Hội CCB Việt Nam về vận động tập hợp CQN ở cơ sở. Đến nay, cả nước đã thành lập được gần 3 vạn Câu lạc bộ CQN, thu hút hơn 1 triệu CQN tham gia. Bằng các hình thức: “Kho thóc CCB”, “Trái dừa đồng đội”, “Quỹ 27-7”, “Quỹ tấm lòng vàng", “Quỹ khuyến học, khuyến tài”, “Quỹ giảm nghèo”, “Quỹ giúp nhau khi đồng đội qua đời”…, hoạt động tình nghĩa của các cấp Hội đã thu hút đông đảo CCB, các nhà hảo tâm tham gia, được cấp ủy, chính quyền và nhân dân ủng hộ, tạo điều kiện. Thông qua phong trào “CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi”, đời sống của các CCB có sự phát triển vững chắc, cơ bản không còn hộ đói, số hộ nghèo toàn Hội giảm còn 6,81% (theo tiêu chí mới). 

Các cấp Hội rất quan tâm đến việc động viên, tổ chức hội viên đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh theo Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XI), nhằm tiếp tục phát huy truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ” trong tình hình mới. Trong quá trình thực hiện, Trung ương Hội và các cấp Hội đã xác định các tiêu chí phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và tình hình cụ thể của từng hội viên; gắn làm theo tấm gương đạo đức của Bác với nâng cao chất lượng hoạt động của Hội và rèn luyện đội ngũ cán bộ, hội viên. Bằng nhiều nội dung, hình thức hoạt động phong phú, như: tổ chức giao lưu giữa CCB với thế hệ trẻ; thi kể chuyện về tấm gương đạo đức của Bác Hồ; tổ chức cho đoàn viên, thanh niên và CCB hành hương về nguồn, tham quan các bảo tàng, khu di tích lịch sử về Chủ tịch Hồ Chí Minh,… việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác đã thực sự đi vào chiều sâu, đạt hiệu quả cao, có sức lan tỏa rộng. Trên cơ sở cụ thể hóa Chương trình “Xây dựng thế hệ trẻ giàu lòng yêu nước, có lý tưởng cách mạng, có lối sống đẹp, có bản lĩnh văn hóa con người Việt Nam giai đoạn 2008 - 2012”, các cấp Hội đã chú trọng bồi dưỡng, giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ gắn với thực hiện các phong trào của Đoàn Thanh niên, như: "Năm xung kích phát triển KT-XH, bảo vệ Tổ quốc”; "Bốn đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp" và Chương trình "Thắp sáng ước mơ tuổi trẻ Việt Nam", phát huy vai trò thanh niên trong xây dựng Đảng… Qua đó, giúp thanh niên hiểu đúng và trân trọng lịch sử, hun đúc lòng yêu nước, yêu CNXH, cảnh giác trước âm mưu "diễn biến hòa bình" của các thế lực thù địch; đồng thời, định hướng mục tiêu, lý tưởng, lối sống, hình thành nếp sống văn hóa lành mạnh cho thanh niên.

Để tiếp tục phát huy vai trò của Hội CCB Việt Nam tham gia phát triển KT-XH, tăng cường QP-AN thời kỳ đẩy mạnh CNH,HĐH, hội nhập quốc tế, các cấp Hội cần tập trung thực hiện tốt một số nội dung cơ bản sau:

Thứ nhất, tiếp tục vận động CCB đoàn kết, giữ vững và phát huy truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, tích cực tham gia xây dựng, bảo vệ Đảng, Nhà nước, chế độ XHCN và nhân dân. Muốn làm được điều đó, các cấp Hội cần động viên cán bộ, hội viên thường xuyên học tập nâng cao trình độ về mọi mặt, nắm vững Cương lĩnh chính trị, Chiến lược phát triển KT-XH, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật Nhà nước; không ngừng nâng cao bản lĩnh chính trị, có quan điểm, thái độ đúng đắn trước những khó khăn, diễn biến phức tạp của tình hình, thực hiện tốt chức năng giám sát và phản biện xã hội. Đồng thời, tổ chức, vận động CCB gương mẫu tham gia thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ở địa phương, tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện thắng lợi đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đặc biệt, các cấp Hội phải coi trọng việc tham mưu với cấp ủy, chính quyền các cấp tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thực hiện các chương trình phát triển KT-XH, tăng cường QP-AN ở cơ sở, nhất là trên những lĩnh vực, như: xây dựng cơ sở hạ tầng, đền bù giải phóng mặt bằng, lao động và việc làm, đưa việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở đi vào chiều sâu, có hiệu quả thiết thực. Đồng thời, tăng cường đấu tranh chống các quan điểm sai trái, làm thất bại mọi hoạt động chống Đảng, âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch; coi trọng phòng chống nguy cơ suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Đẩy mạnh công tác phát hiện, đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí theo phương châm: kết hợp giữa “xây” và “chống”, lấy xây là chính, phòng ngừa là cơ bản, không để kẻ xấu lợi dụng gây mất đoàn kết nội bộ, vu cáo, bôi nhọ, đả kích Đảng, Nhà nước và cán bộ, đảng viên; phối hợp chặt chẽ với lực lượng Quân đội, Công an đẩy mạnh công tác giáo dục QP-AN, nâng cao ý thức bảo vệ Tổ quốc trong CCB và nhân dân. 

Hai là, động viên CCB nêu cao tinh thần tự lực tự cường, giúp nhau làm giàu hợp pháp, phấn đấu giảm nghèo bền vững; tích cực tham gia có hiệu quả các chương trình phát triển KT-XH ở địa phương và đất nước. Trung ương Hội cần tăng cường chỉ đạo, có kế hoạch cụ thể tạo điều kiện để CCB tham gia các chương trình phát triển KT-XH, xây dựng nông thôn mới ở địa phương; chú trọng tổ chức CCB tham gia tập huấn kỹ thuật, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, góp phần hình thành các vùng sản xuất hàng hóa lớn, có chất lượng, sức cạnh tranh cao. Đồng thời, chỉ đạo các cấp Hội cơ sở tiếp tục nhân rộng các mô hình, điển hình của phong trào “CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi”; phát triển các Câu lạc bộ doanh nghiệp hoặc Hội doanh nhân CCB, tiến tới thành lập Hội doanh nghiệp, doanh nhân CCB toàn quốc. Động viên CCB đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh gắn với phát triển văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm; tích cực giúp CCB nghèo vươn lên làm giàu, nâng cao đời sống, góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh, bền vững.

Thứ ba, phối hợp chặt chẽ với Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và các đoàn thể chính trị - xã hội tích cực giáo dục, bồi dưỡng truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng cho thế hệ trẻ. Trong quá trình thực hiện, các cấp Hội và hội viên cần nghiên cứu, vận dụng các nội dung, hình thức phù hợp với đặc điểm tâm lý, nhu cầu hiểu biết của tuổi trẻ, hướng mạnh vào việc kết hợp sử dụng các hình thức truyền thống với các phương tiện thông tin, truyền thông đa phương tiện để nâng cao nhận thức, lòng tự hào của tuổi trẻ về truyền thống của dân tộc, của cách mạng, của Đảng và ý thức kế thừa, phát huy, bồi đắp mục tiêu, lý tưởng, đạo đức, lối sống cách mạng thời kỳ mới; thực hiện tốt quyền lợi, nghĩa vụ của tuổi trẻ đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Chú ý tham mưu với cấp ủy, chính quyền, phối hợp với các cấp, ngành, đoàn thể chính trị - xã hội, tạo điều kiện thuận lợi và đa dạng hóa các hình thức tập hợp CQN tham gia các phong trào ở cơ sở. 

Thứ tư, tiếp tục xây dựng Hội CCB Việt Nam vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức; trong đó lấy đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội làm trọng tâm, là khâu đột phá. Các cấp Hội cần tiếp tục tuyên truyền, giáo dục cán bộ, hội viên, nâng cao hơn nữa nhận thức về chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Cương lĩnh, nghị quyết của Đảng; làm tốt công tác dự báo, định hướng tư tưởng; coi trọng rèn luyện chính trị - tư tưởng, phẩm chất đạo đức, xây dựng bản lĩnh chính trị kiên định, vững vàng cho hội viên. Để làm được điều đó, các cấp cần gắn kết chặt chẽ việc động viên hội viên thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” với Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) về “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; gắn xây dựng tổ chức đảng với xây dựng tổ chức Hội và rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên, hội viên, trọng tâm là tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Chú ý phát huy vai trò của Câu lạc bộ “CCB gương mẫu” trong thực hiện các cuộc vận động, phong trào thi đua của Hội CCB Việt Nam, của Đảng và Nhà nước phát động; thường xuyên kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của các cấp hội, nhất là công tác cán bộ, công tác kiểm tra, giám sát, năng lực làm tham mưu cho cấp ủy, chính quyền và phối hợp với các cấp, các ngành trong thực hiện nhiệm vụ. Đồng thời, chủ động phối hợp với cơ quan chức năng nghiên cứu, đề xuất với Đảng, Nhà nước về chế độ, chính sách đối với CCB và cán bộ chuyên trách làm công tác Hội các cấp, quan tâm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên; tích cực đề xuất xây dựng Luật CCB Việt Nam, nhằm hoàn thiện các chế định pháp luật và chế độ, chính sách với CCB, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2020.

Xây dựng Hội CCB Việt Nam trong sạch, vững mạnh, ngang tầm yêu cầu nhiệm vụ, xứng đáng với sự tin cậy của Đảng, Nhà nước, sự tin yêu của nhân dân, phát huy tốt vai trò trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, trước hết là của các cấp Hội và hội viên CCB Việt Nam.

Thiếu tướng PHẠM HỮU BỒNG

Phó Chủ tịch thường trực Hội Cựu chiến binh Việt Nam

 

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ XÃ ĐẠI LỘC - HUYỆN HẬU LỘC

Chịu trách nhiệm: PHẠM DUY TẤN - CHỦ TỊCH UBND XÃ ĐẠI LỘC

Địa chỉ: Xã Đại Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa

Số điện thoại: 0814510350

Website được thiết kế bởi Trung tâm Công nghệ thông tin và truyền thông Thanh Hóa